Ngành mỹ phẩm Việt Nam ngày càng trở nên sôi động nhờ vào sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Với những lợi thế đặc trưng khác nhau, các thương hiệu đang lựa chọn các mô hình kinh doanh trực tiếp và trực tuyến tương ứng.
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới thẩm mỹ và chăm sóc sức khỏe. Điều này là do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da đang tăng cao. Theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.
Tương tự, nghiên cứu của Statista cho thấy, tốc độ gia tăng số lượng cửa hàng mỹ phẩm toàn quốc tăng 40%, từ 87% trong năm 2021 lên đến 124% trong năm nay. Phần lớn cửa hàng tập trung tại hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Việt Nam cho biết, năm 2019, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt 6,6% GDP. Chỉ số này dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,7% vào năm 2022. Trong đó, dẫn đầu về doanh thu là các sản phẩm chăm sóc da. Điều này là do người Việt Nam đang có xu hướng chăm sóc da nhiều hơn, đặc biệt từ đối tượng nam giới. Bên cạnh đó, với bản chất tiêu dùng hàng ngày, khối lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ gia tăng tương xứng với nhu cầu của khách hàng.
Các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế lớn đang dành nhiều sự quan tâm cho thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và châu Á, như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, đang tích cực tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Với các chiến lược kinh doanh khác nhau, các thương hiệu sẽ đưa ra những mô hình kinh doanh phù hợp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng từ nguồn khách hàng Việt.
Theo bà Minh, các hãng mỹ phẩm từ châu Á đang chiếm thị phần chính tại thị trường Việt Nam. Họ đã và đang lập kế hoạch đầu tư vào Hà Nội với kỳ vọng lớn. Khi gia nhập, các thương hiệu này thường dành một khoản đầu tư lớn vào cửa hàng đầu tiên. Họ có xu hướng tìm kiếm mặt bằng nhà phố, với vị trí “vàng” và độ nhận diện cao.
Bên cạnh đó, ý tưởng thiết kế hấp dẫn, sáng tạo cũng là yếu tố để thu hút khách hàng. Trái lại, đối với các cửa hàng tiếp theo, các thương hiệu mỹ phẩm sẽ tìm đến mặt bằng tại trung tâm thương mại lớn với chi phí đầu tư mặt bằng thấp hơn.
Bản thân khách hàng, khi tìm kiếm các sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp, sẽ muốn trải nghiệm nhiều mặt hàng thuộc các thương hiệu khác nhau. Bởi vậy, các trung tâm thương mại thường thiết kế một tổng khu dành riêng cho các thương hiệu mỹ phẩm tại tầng trệt, nơi sở hữu lưu lượng khách lớn. Mỗi quầy hàng sở hữu diện tích rất nhỏ, rơi vào khoảng 20-30 m2. Điều này sẽ khiến việc mua sắm của người tiêu dùng trở nên thuận tiện hơn.
Theo báo cáo thị trường quý I/2022 của Savills, nguồn cung trung tâm thương mại tăng ổn định 1% hàng năm kể từ năm 2019. Trong năm 2022, nguồn cung mới đến từ 11 dự án sẽ gia nhập thị trường. Trong đó, trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ, mỗi loại hình sẽ chiếm 50% tổng nguồn cung tương lai. Bởi vậy, đây vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ dành cho các doanh nghiệp mỹ phẩm cao cấp đang có mong muốn mở rộng mặt bằng.
Bà Hoàng Nguyệt Minh nhận định, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu trẻ quan tâm tới vấn đề sức khỏe đang là yếu tố thu hút các doanh nghiệp mỹ phẩm, đặc biệt là Châu Âu và Châu Á, gia nhập Việt Nam.
“Những xu hướng mới khi mua mỹ phẩm của các tín đồ vô hình trung giúp mô hình cửa hàng đa sản phẩm trở nên thịnh hành hơn. Mô hình này sẽ giải quyết được yêu cầu của khách hàng về việc trải nghiệm sản phẩm từ nhiều thương hiệu khác nhau. Điều này được chứng minh bởi các chuỗi Watson, Sociolla, Guardian…”, bà Nguyệt nói.